Nhận biết bệnh suy thận độ 3 và hướng điều trị
Bệnh suy thận trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, khi bước sang giai đoạn thứ 3 thì chức năng của thận đã bị mất khoảng 75%. Bệnh suy thận độ 3 sẽ phát triển rất nhanh qua giai đoạn cuối nếu không sớm phát hiện và can thiệp.
Vậy làm sao để có thể nhận biết bệnh suy thận độ 3? Hiện nay có những hướng điều trị nào cho cho bệnh nhân mắc phải căn bệnh này? Bài viết sau sẽ cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích để sáng tỏ vấn đề trên.
I. Dấu hiệu nhận biết bệnh suy thận độ 3
Theo phân tích của Tổ chức Thận học Hoa Kỳ (NKF) thì bệnh suy thận được chia làm 5 cấp độ tương ứng với 5 giai đoạn phát triển của bệnh. Trong đó, suy thận độ 3 chính là giai đoạn mà tình trạng bệnh bắt đầu có những chuyển biến nặng nề, thận có dấu hiệu tổn thương nghiêm trọng hơn.
Khi bệnh suy thận chuyển sang cấp độ 3 thì mức độ lọc cầu thận chỉ còn khoảng 30 – 59ml/phút. Mặc dù vậy, các triệu chứng của bệnh suy thận độ 3 vẫn tương tự như ở hai giai đoạn đầu. Tuy nhiên, mức độ thể hiện sẽ tăng lên đáng kể. Sau đây là 5 dấu hiệu cơ bản giúp mọi người nhận biết chính xác bệnh suy thận độ 3:
1. Vấn đề bất thường khi đi tiểu
Suy thận độ 3 sẽ khiến người bệnh gặp phải một số vấn đề khi đi tiểu như nước tiểu có bọt, màu sắc thay đổi, tiểu nhiều về đêm, lượng nước tiểu ít đi hoặc nhiều hơn bình thường.
Bên cạnh đó, người bệnh còn rất dễ gặp phải tình trạng tiểu ra máu hay đạm niệu. Bởi khi thận bị suy giảm chức năng không hồi phục được sẽ khiến cho các lỗ lọc gặp nhiều tổn thương. Đây chính là nguyên nhân khiến cho các tế bào hồng cầu hay chất đạm lọt qua lỗ lọc.
2. Tình trạng đau nhức
Những người bị suy thận độ 3 thường hay gặp phải tình trạng đau lưng hay đau cạnh sườn. Mọi người cần tránh nhầm lẫn giữa đau lưng do suy thận độ 3 và đau lưng do các bệnh lý cơ xương khớp gây nên.
Đối với tình trạng đau lưng do suy thận độ 3 thì những cơn đau sẽ không quá dữ dội. Thường đau ở những vị trí có mô mềm, đôi khi cơn đau quặn thắt xuất phát từ vùng thận sau đó lan xuống hố chậu và lan dần xuống cả đùi và hai bàn chân. Tình trạng đua nhức thường diễn ra theo chu kỳ, đau mạnh nhất ở khu vực hai bên thận.
3. Biểu hiện sưng phù
Đây là một trong những dấu hiệu thường xuất hiện khi bệnh suy thận bắt đầu chuyển qua giai đoạn thứ 3. Ở những giai đoạn đầu mặc dù chức năng thận suy yếu nhưng vẫn còn có thể cân bằng được lượng nước trong cơ thể. Tuy nhiên khi ở độ 3, tổn thương ở thận đã gia tăng mạnh, cơ thể sẽ bị tích nước.
Điều này biểu hiện ràng nhất là tình trạng sưng phù, cảm giác da căng lên nhưng lại hơi lọng bọng. Vị trí dễ sưng phù nhất là bọng mắt, hai tay và hai chân.
4. Tay chân co quắp do bị chuột rút
Thận chính là cơ quan đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng điện giải cho cơ thể. Chức năng của thận giảm mạnh sẽ kéo theo sự rối loạn của hàm lượng các chất khoáng có trong máu. Đây chính là nguyên nhân lý giải vì sao người suy thận độ 3 thường gặp phải tình trạng chuột rút, bàn tay, bàn chân co quắp rất khó chịu.
5. Người mệt mỏi, xanh xao
Mọi người cần biết rằng, ngoài chức năng lọc và đào thải những chất cặn bã ra khỏi cơ thể, thận còn làm nhiệm vụ sản sinh ra hormone để kích thích tạo tế bào hồng cầu cho cơ thể. Khi bệnh suy thận chuyển sang độ 3, đồng nghĩa với việc chức năng của thận đã suy giảm tới mức khá nghiêm trọng.
Lúc này, sẽ ảnh hưởng xấu đến quá trình tạo tế bào hồng cầu do lượng hormone ở thận được sản sinh ít đi. Điều này dẫn tới tình trạng thiếu máu cho các hoạt động của cơ thể. Do đó mà người bệnh thường thấy mệt mỏi kéo dài, người luôn xanh xao thiếu sức sống.
II. Hướng điều trị cho người bệnh suy thận độ 3
Như chúng tôi đã nói, bệnh suy thận độ 3 nếu không có cách can thiệp sớm sẽ phát triển rất nhanh và chuyển biến nặng nề. Điều này khiến việc điều trị gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì thế mà khi phát hiện ra những dấu hiệu của bệnh suy thận độ 3, mọi người nên chủ động thăm khám để có thể sớm khắc phục.
Mặc dù đã chuyển biến khá nặng nhưng khi bệnh suy thận ở mức độ 3, người bệnh vẫn chưa cần phải dùng đến phương pháp lọc máu hay phẫu thuật ghép thận. Bệnh suy thận độ 3 vẫn có thể bị ức chế bằng các phương pháp điều trị bảo tồn.
1. Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ
Khi bệnh suy thận bước sang giai đoạn thứ 3 thì người bệnh cũng sẽ bắt đầu phải đối diện với một số biến chứng nguy hiểm. Thường gặp nhất là các biến chứng như cao huyết áp hay tiểu đường. Để tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra, trong trường hợp này các bác sĩ có thể chỉ định người bệnh sử dụng các loại thuốc kiểm soát huyết áp cũng như đường huyết.
Để đẩy lùi các triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, cơ thể mệt mỏi thì một số loại thuốc bổ sung hàm lượng sắt cho cơ thể cũng sẽ được chỉ định. Các loại thuốc bổ sung sắt sẽ giúp cải thiện đáng kể tình trạng thiếu máu và xúc tiến quá trình vận chuyển máu đi nuôi dưỡng tế bào.
Còn để ức chế sự phát triển của bệnh suy thận độ 3 thì hiện nay 2 loại thuốc thường được sử dụng đó là thuốc chẹn thụ thể Angiotensin và thuốc ức chế men chuyển Angiotensin. Để có được kết quả điều trị khả quan nhất, người bệnh cần nghiêm chỉnh tuân thủ sử dụng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ.
2. Xây dựng chế độ ăn lành mạnh
Để ngăn chặn tốc độ tiến triển nhanh chóng của bệnh suy thận độ 3 thì việc sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ là chưa đủ. Người bệnh cần thiết lập chế độ ăn uống cũng như sinh hoạt lành mạnh để hỗ trợ tốt nhất cho quá trình điều trị.
Việc xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh sẽ luôn là liều thuốc tự nhiên hữu hiệu giúp đẩy lùi mọi bệnh tật trong đó có bệnh suy thận độ 3. Mọi người cần chú ý đến các vấn đề sau đây để có thể nhanh chóng cải thiện tình trạng bệnh:
- Nên bổ sung những thực phẩm tốt cho thận vào trong khẩu phần ăn mỗi ngày. Cá, dâu tây, tỏi, và các loại rau như súp lơ, bắp cải, cải xanh, ớt chuông đỏ là lựa chọn tốt cho những người mắc bệnh suy thận.
- Cần tuyệt đối tránh các loại thức ăn có hàm lượng đạm quá cao như nội tạng động vật, thịt đỏ. Người bị suy thận độ 3 cũng nên hạn chế ăn mặn, ăn thức ăn nhiều đường. Thức ăn nhanh, đồ chiên xào, rượu bia, chất kích thích cũng cần phải tránh xa.
Nói tóm lại, bệnh suy thận khi đã chuyển sang giai đoạn thứ 3 thì luôn tiềm ẩn những mối đe dọa lớn. Để điều trị hiệu quả, ngoài việc tuân thủ phác đồ mà bác sĩ đưa ra, mọi người nên xây dựng thói quen ăn uống và sinh hoạt khoa học. Để có thể kiểm soát tốt tình trạng bệnh, việc thường xuyên thăm khám luôn là vấn đề được đặt lên hàng đầu. Chúc mọi người sức khỏe!
Hải Yến
Có thể bạn quan tâm:
Bình luận
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!